Nhiều tên tuổi đang rời bỏ thung lũng Silicon, nơi được coi là cái nôi của nền công nghệ cao nước Mỹ.
Ngày 12/12, Oracle là cái tên mới nhất thông báo sẽ chuyển trụ sở khỏi thung lũng Silicon. Hãng này cho biết sau 40 năm hoạt động tại California, Oracle sẽ chuyển về Austin, Texas, theo CNN.
“Chúng tôi tin rằng việc này sẽ định vị tốt cho Oracle trong tăng trưởng, và giúp nhân sự của chúng tôi có thêm sự linh hoạt về nơi làm việc, cách làm việc. Tùy thuộc vào vị trí trong công ty, nhiều nhân viên của chúng tôi có thể chọn văn phòng để làm, hoặc làm việc từ xa toàn phần hoặc bán thời gian”, Deborah Hellinger, người đại diện của Oracle, chia sẻ.
Trước Oracle, nhiều công ty công nghệ khác đã lên tiếng về việc từ bỏ thung lũng Silicon. Palantir thông báo chuyển trụ sở về Denver, Colorado. Vào đầu tháng 12, HPE (hay Hewlett-Packard Enterprises) cũng tuyên bố chuyển trụ sở từ vùng vịnh San Francisco sang văn phòng ở Houston, bang Texas. Ngoài văn phòng ở California trước đó là trụ sở, campus của HP tại Houston, Texas là nơi có đông nhân viên nhất.
Tờ CNN gọi HP là công ty “thực sự tạo nên thung lũng Silicon”. Năm 1938, Bill Hewlett và Dave Packard đã thuê một gara ở Palo Alto, California làm trụ sở đầu tiên cho công ty của mình. Chính sự thành công của HP đã tạo nên một vùng công nghệ phía Nam bang California, dần dần hình thành thung lũng Silicon.
Trước đó, Elon Musk cũng tiết lộ ông sẽ chuyển về sinh sống tại Texas để ở gần hơn căn cứ phóng tên lửa Boca Chica của SpaceX, cũng như nhà máy tại Austin của Tesla.
Những đại gia công nghệ lựa chọn rời thung lũng Silicon được coi như một biểu hiện cho sự “tháo chạy” khỏi vùng trũng công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, đây đều là những kế hoạch lâu dài, và có ảnh hưởng từ những yếu tố chính trị.
Từ năm 2018, Oracle, hãng phần mềm lớn thứ hai thế giới, đã cân nhắc những phương án mới về campus. Họ mở văn phòng ở Austin nhằm thu hút nhân lực trẻ tuổi, với chi phí thấp hơn khu vực San Francisco.
Nhà sáng lập kiêm CTO Larry Ellison, cùng CEO Safra Catz của hãng đều là những người ủng hộ nhiệt thành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Họ cũng thường xuyên chỉ trích cách hoạt động của các công ty Internet như Google.
Bloomberg nhận định việc chuyển đến Texas sẽ giúp Oracle cắt giảm nhiều chi phí. Công ty này cũng đang chuyển đổi từ các sản phẩm phần mềm truyền thống sang phần mềm đám mây, và doanh thu đã liên tục giảm trong 2 năm qua. Oracle cũng phải cạnh tranh vất vả với những công ty trẻ hơn trong lĩnh vực này như Google hay Amazon.
Thuế có thể là lý do chính khiến nhiều tỷ phú muốn chuyển về Texas. Tiểu bang này không đánh thuế thu nhập cá nhân, trong khi mức thuế tại California là cao nhất ở Mỹ. Tesla tiết kiệm được hàng chục triệu USD tiền thuế tài sản khi lập nhà máy ở Austin.
Nếu rời California để đến Texas, tỷ phú Musk có thể tiết kiệm hàng tỷ USD tài sản. Tỷ phú gốc Nam Phi được Tesla thưởng cổ phiếu và hiện sở hữu khối tài sản 135 tỷ USD. Theo thỏa thuận với Tesla, ông Musk có thể được thưởng tới hơn 50 tỷ USD sau 12 đợt thưởng cổ phiếu. Đến nay, Musk đã được quyền nhận đợt thứ tư.
Theo nhận định của Erik Hallgrimson, Phó chủ tịch công ty môi giới Cushman & Wakefield, đây là bằng chứng cho thấy mức thuế và chính sách công có thể ảnh hưởng tới những công ty lớn nhiều như thế nào.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia vẫn nhận định rằng thung lũng Silicon vẫn có ảnh hưởng lớn tới nền công nghệ Mỹ và thế giới, bởi văn hóa khởi nghiệp, các cơ sở đào tạo tên tuổi và khí hậu là những yếu tố không thay đổi.
“Không có quy định nào là thung lũng Silicon phải chứa đựng mọi công ty công nghệ lớn. Tuy nhiên, rõ ràng khu vực này có một công thức đặc biệt mà những vùng khác không thể tái tạo”, Phil Mahoney, Phó chủ tịch công ty bất động sản Newmark, hoạt động tại thung lũng Silicon chia sẻ.
Nguồn: Hải Ninh/chungta.vn