Singapore và Ấn Độ ghi nhận số vụ xâm nhập mạng trái phép tăng vọt kể từ khi ban hành chính sách làm việc từ xa

Theo Check Point – Công ty dịch vụ an ninh mạng có trụ sở tại Israel, sự chuyển dịch hối hả từ môi trường làm việc truyền thống sang mô hình “Work From Home” (làm việc tại nhà) đã tạo ra nhiều kẽ hở trên không gian mạng để các hacker tiếp cận dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Hãng này ghi nhận trong quý III, Ấn Độ là quốc gia đứng thứ 2 sau Mỹ, nằm trong nhóm 5 đất nước bị tấn công mạng nhiều nhất bởi phần mềm mã độc. Điều này là do nhiều công ty IT chưa kịp hoàn thiện hệ thống bảo mật trên điện toán đám mây (Cloud) để đảm bảo sự riêng tư cho khách hàng, nhân viên khi làm việc qua mạng.

Cũng theo báo cáo, 71% đối tượng tham gia khảo sát cho biết từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 ghi nhận lượt xâm nhập mạng trái phép tăng đột biến. Thay vì gặp nhau tại văn phòng, 95% trong số đó loay hoay với những trở ngại khi cho phần lớn nhân viên làm việc từ xa.

Tấn công mạng gia tăng do làm việc từ xa
Hơn 50% nhà bán lẻ chú trọng an ninh mạng, theo BDO. Ảnh: Unsplash

Riêng quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Check Point nhận thấy tỷ lệ tấn công trên mạng Internet cao gấp 3 lần so với các khu vực còn lại trên thế giới. “Trong quý II và III, chúng tôi ghi nhận số vụ đánh cắp dữ liệu tăng 39,2% tại Ấn Độ. Một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng gồm sản xuất, dịch vụ công, tài chính, phần mềm và y tế” – Balasubramanian – GĐ điều hành Check Point tại Ấn Độ, cho hay.

Ông cho biết thêm rằng đa số các máy tính gia đình thường không được cài đặt phần mềm chống mã độc hay các patch cập nhật. Do đó, khi các thiết bị này truy cập vào mạng nội bộ sẽ kéo theo nhiều sơ hở trên không gian mạng.

“Vì quá trình chuyển dịch diễn ra gấp rút, đội phụ trách Infosec (an toàn thông tin) và DevOps cũng không thể ‘một sớm một chiều’ đưa cấp độ bảo mật trên Cloud lên tương xứng với cấp độ ở trung tâm dữ liệu truyền thống”, vị Giám đốc đánh giá.

Ở phía Đông bán cầu, dựa vào thống kê từ gần 3.200 doanh nghiệp của 21 quốc gia do hãng công nghệ của Mỹ Cisco thực hiện, Singapore là quốc gia giữ mức chuyển dịch sang mô hình làm việc tại nhà cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 59% số lượng tổ chức thường trực ở đây cho hơn phân nửa lượng nhân viên làm việc ở nhà, so với tỷ lệ trước khi có dại dịch.

Trong đó, công ty của họ cũng chịu tác động từ các chiêu trò lấy thông tin bất hợp pháp của hacker như phishing attack (tấn công giả mạo) hay trộm dữ liệu khi nhấp vào đường dẫn trên mạng Internet với tỷ lệ gây mất an toàn mạng tăng ít nhất 25% so với những năm trước.

Ngoài ra, báo cáo của Cisco ghi nhận, dưới 42% đơn vị tham gia khảo sát cho biết họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn chuyển từ văn phòng vật lý sang văn phòng ảo; 54% chỉ chuẩn bị một phần và 3% chưa có động thái gì. Phương pháp định danh người lao động theo thời gian thực cũng như xác định địa điểm đăng nhập vào hệ thống của công ty còn nhiều rào cản và nhận thức của nhân viên về an ninh mạng còn nhiều sót.

McKinsey phân tích, bởi vì hiện nay đa phần người lao động đang làm việc tại nhà và tương tác chủ yếu qua mạng nên phương pháp đảm bảo an toàn môi trường làm việc trực tuyến cho nhân viên là điều cấp thiết. Chỉ riêng tháng 4, Google ghi nhận hơn 18 triệu phần mềm độc hại và email giả liên quan đến tin tức về Covid-19. “Khi người dùng nhấn chọn vào chúng, các thông tin cá nhân sẽ bị đánh cắp”, McKinsey chia sẻ.

Khảo sát của Global Workplace Analytics cho biết, người lao động khẳng định chưa muốn trở lại làm việc tại công ty như trước đây và 70% trong số đó sẽ xem xét cơ hội làm việc trực tuyến với doanh nghiệp như một tiêu chí ưu tiên nghề nghiệp sau này. Theo tờ StraitsTimes, 40% số doanh nghiệp ở “quốc đảo Sư Tử” sẽ cho hơn nửa số lượng nhân viên làm việc từ xa kể cả khi đại dịch đi qua.

Nguồn: Đình An/chungta.vn