Trong khi mô hình Chuỗi khối (Blockchain) đảm bảo an toàn dữ liệu cho chuỗi cung ứng, IoT (Internet Of Things) sẽ giúp theo dõi quy trình phân phối thuốc toàn cầu theo thời gian thực

Để vaccine đến tay người bệnh trên khắp các châu lục thật sự là một thử thách, Counterpoint Research đánh giá. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), 1/4 lô hàng vaccine thường bị giảm chất lượng do tác động khách quan trong lúc chở hàng. Ví dụ như một tấm pallet bị để ngoài kho lạnh quá lâu, hay khoảng 20% kiện hàng chứa loại vaccine nhạy cảm với nhiệt độ sẽ dễ mất nguyên chất.

Trong đó, mỗi hãng bào chế thuốc như Pfizer, Moderna và AstraZeneca lại khác nhau về yêu cầu bảo quản vaccine và nhiệt độ kho lạnh. Đơn cử như Moderna cần giữ lô hàng ở mức âm 20 độ C, trong khi Pfizer sẽ duy trì ở mức -70 độ C. Do đó, nhiều tiêu chuẩn đan xen lẫn nhau khiến quy trình vận chuyển cần độ tỉ mỉ và chính xác cao.

IATA cho biết rằng các hãng bay lớn đã lên kế hoạch sử dụng gần 8.000 chiếc Boeing 747 để đưa hàng triệu liều vaccine Covid-19 đến các tiểu bang của Mỹ – nơi có số ca nhiễm cao nhất thế giới, và những quốc gia khác cần nhập thuốc. Đồng thời, hãng vận tải DHL cũng dự tính cần 200.000 chuyến tải hàng trên cạn và 15.000 chuyến bay trong hai năm tới cho nhiệm vụ vận chuyển hỗn dịch tiêm Covid-19.

Tuy nhiên, lời cam kết chỉ mới dừng lại ở số lượng chuyến chỉ đủ cho 1 liều/người nhưng một số loại vaccine lại đòi hỏi 2 liều/người mới có hiệu quả. Counterpoint cho rằng, khi cả thế giới đang trông chờ vào các hãng nghiên cứu thuốc thì việc đảm bảo chuỗi vận chuyển là điều cần thiết. Mô hình công nghệ Blockchain và IoT rất phù hợp để thỏa mãn các điều kiện về logistics và giúp giảm rủi ro sản phẩm.

Phân phối vaccine Covid-19 bằng Blockchain, IoT
Giải pháp logistics toàn diện do Counterpoint Research đưa ra.

Nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ Walmart là một trong những ví dụ điển hình của việc ứng dụng blockchain vào khâu quản lý logistics. Arushi Chawla – nhân viên nghiên cứu của Counterpoint, nhận định quy trình vận chuyển vaccine có thể dùng mô hình tương tự như cách Walmart đang làm.

Với bản chất phi tập trung của blockchain, loại công nghệ này sẽ ghi lịch sử dữ liệu và thường xuyên xác thực bởi nhiều bên. Mỗi bản sao lưu dữ liệu sẽ luôn được kiểm định và công khai. Bất kỳ sự thay đổi nào trong hệ thống blockchain đều phải được sự cho phép của các bên tham gia thì mới được chấp thuận.

Cạnh đó, blockchain giúp xác thực thông tin của nhân viên y tế, hồ sơ bệnh án và theo dõi hiệu quả điều trị sau tiêm chủng. Ở góc độ quản lý, các bệnh viện sẽ dễ dàng kiểm soát sự cam kết của đội ngũ y, bác sĩ trong quá trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Đối với IoT, chúng đóng vai trò kết nối mọi thiết bị qua mạng Internet, mang lại khả năng theo dõi, đồng bộ tiến trình trên bất kỳ phương tiện nào. Trong đó, Chalwa đánh giá IoT có thể tích hợp trong các thiết bị cảm biến nhiệt, đặt bên trong những thùng hàng chứa vaccine để thu thập và phân tích dữ liệu ở nhiệt độ cực thấp (Ultra-low temperature).

Cô còn cho biết các nhà phân phối vaccine nên sử dụng mã barcode để gửi dữ liệu lên hệ thống blockchain trong không gian điện toán đám mây, hoặc dùng con dấu mật mã chứa chip NFC với blockchain để theo dõi và bảo mật quy trình phân phối.

Nguồn: Đình An/chungta.vn