Ngày vui của chị Chu Thanh Hà (Phó TGĐ FPT) và anh Lê Thế Hùng (Hùng “Râu”) là lễ truy điệu… đời trai của anh Hùng “Râu”, hay Viện sỹ Khắc Thành cùng cô dâu Việt Nga dắt tay nhau dẫm lên những quả bóng bay đủ màu tạo tiếng nổ lách tách thay cho pháo… là những đám cưới có một không hai của các cặp đôi ở FPT.

Đám cưới của anh Hùng “râu” và chị Chu Thanh Hà

Cho đến tận bây giờ, hơn 15 năm sau đám cưới của chị Hà và anh Hùng, mọi người vẫn còn nhắc đến bởi chỉ có “tín đồ” STCo của FPT mới có thể sáng tạo cách tổ chức độc nhất vô nhị như vậy. Đám cưới trở thành “Lễ truy điệu Hùng “Râu” khỏi cõi trai tơ”.

“Lễ truy điệu Hùng ‘Râu’” được tổ chức vào ngày 2/10/1995 trên Hồ Tây. Hơn 40 tín đồ STCo chen chúc trên chiếc thuyền rồng và xung quanh hàng loạt “măng non” STCo phải thuê thuyền chèo bám xung quanh để “dự thính”.

“Lễ tiễn đưa” được tổ chức vào hồi 18h tại chính giữa Hồ Tây. Mở đầu là nhạc quốc ca, công ty ca và tàu rồng kéo còi ai oán. Sau đó, lần lượt các màn lễ nghi tiễn đưa Hùng “Râu” khỏi cõi trai tơ, đọc cáo phó, thuật lại cuộc đời thân thế sự nghiệp, điếu văn và văn tế…

“Tiếc lắm thay, trong hơn 7 năm tung hoành cõi trai tơ, coi sếp như trẻ thơ, chị em như cục gỗ, lời bài hát Hùng “Râu” yêu ai được tương truyền khắp nơi”. Trong thông báo đặc biệt của STCo, Hùng “Râu” đã mắc “virus” Thanh Hà, mặc dù được bạn bè tận tình khuyên nhủ nhưng do tuổi cao, sức đề kháng yếu đã giã từ cõi trai tơ.

Vì vậy, anh Đỗ Cao Bảo (hiện là Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT) đọc quyết định truy tặng Hùng “Râu” huân chương “Vì giống nòi”. “Trưởng ban khóc mướn” Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT FPT) mang lại không khí vô cùng “trang nghiêm” giữa tiếng suỵt soạt liên hồi.

Trong “niềm tiếc thương vô hạn”, “Trưởng ban quần chúng” Nguyễn Minh, nhân viên FSS liên tục hướng dẫn anh em hô khẩu hiệu với câu cuối rất được lòng phu nhân Thanh Hà: “Đã là vợ phải là vợ Hùng ‘Râu’”.

Đám cưới của Viện sỹ STCo Nguyễn Khắc Thành và chị Nguyễn Thị Việt Nga

Đến đầu thế kỷ 21, người FPT lại được chứng kiến sự kiện được coi là vĩ đại của lịch sử STCo, đó là đám cưới của Viện sỹ STCo Nguyễn Khắc Thành (hiện là Phó Hiệu trưởng ĐH FPT) và chị Nguyễn Thị Việt Nga ngày 1/11/2000.

Trong trí nhớ của chị Việt Nga, những năm 2000, FPT còn nhỏ lắm, mọi người gần như đều quen mặt, biết tên nhau. Cô dâu chú rể là nhân vật chính, nhưng mọi việc lo liệu, tổ chức, từ in thiếp mời, chụp ảnh, ăn hỏi, đặt chỗ, tiệc cưới… đều do người FPT xúm vào lo hết. Gần đến ngày cưới, cô dâu chú rể có mặt để xem xét và “duyệt” các phương án.

Những đám cưới ‘độc’ của người FPT
Cô dâu Việt Nga và chú rể Khắc Thành dẫm lên bóng tạo thành tiếng nổ lách tách vui tai thay cho pháo. Ảnh: NVCC.

Chị Lại Hương Huyền (Chánh Văn phòng HĐQT FPT) đã tổ chức với một nhóm để sắp xếp, phân công công việc. Mọi người còn lên file Excel chi tiết cho từng việc thực hiện và phân công người phụ trách chính. Chị Nga chia sẻ: “Anh Thành và mình đều dễ tính, không cầu kỳ nên mọi người thấy được là mình cũng nhất trí luôn”.

Vui nhất trong tiệc cưới hôm đó là cô dâu, chú rể dắt tay nhau dẫm lên những quả bóng bay đủ màu, tiếng nổ lách tách vui tai thay cho pháo. Đây là cách mà đôi uyên ương ra mắt cộng đồng STCo. Hai bên là các đồng nghiệp xếp hàng dài, tay cầm giỏ, tay tung những chùm giấy màu đẹp mắt.

Tiệc cưới của Viện sỹ Khắc Thành được tổ chức “lộ thiên” ở góc công viên Thống Nhất (Hà Nội)m, nơi mà trong Sử ký 13 năm, anh Bình đã nhắc đến là Quán Gió. Tiệc cưới xong, mọi người trong Ban tổ chức mới thở phào vì hôm đó thời tiết đẹp, khô ráo, không mưa nên chưa phải dùng đến phương án thay thế.

Kỷ niệm mà cô dâu Việt Nga nhớ nhất là: “Lúc đón dâu về đến nhà, mọi người đã rời khỏi xe, mà mình do bị say xe ôtô vẫn loay hoay chưa ra được vì tay còn vướng túi nôn. Buổi chiều, khi đến chỗ tổ chức tiệc, vợ chồng sắp cưới đèo nhau đi xe máy, vừa chủ động, vừa thoáng mà lại không bị mệt”.

Đám cưới của lớp “măng non” STCo có thể hiện đại hơn nhưng vẫn mang đậm phong cách độc đáo của người FPT.

Đám cưới của Nguyễn Đức Đại FPT Trading HCM

Đám cưới của Nguyễn Đức Đại, FPT Trading HCM, được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Quận Phú Nhuận, đường Nguyễn Văn Trỗi, TP HCM, đã trở thành “truyền thuyết” mỗi khi người FPT nhắc đến ngày vui đôi lứa.

Đại chủ ý chọn ngày kỷ niệm thành lập công ty để tổ chức cưới (13/1/2007). Tại tiệc cưới, anh chuẩn bị 20 bàn tiệc nhưng số lượng khách phát sinh thêm 6 bàn. “Không có bàn, chú rể phải chạy tá lả đi mượn bàn của Trung tâm Văn hóa. Không có thức ăn, người nhà phải chạy ra ngoài mua thêm đồ ăn (mì xào giòn, cơm chiên Dương Châu), không có chén đũa, thì mọi người dùng chung, không có ghế ngồi thì mọi người cùng đứng, không có ly thì mọi người luân phiên nhau uống. Cuối tiệc cô dâu và chú rể phải dẫn bà con trong gia đình ra quán ăn tối”, anh Đại hồ hởi kể lại.

Cô dâu, chú rể cùng “đoàn quân” anh em đồng nghiệp FPT kết thành đoàn xe lửa chạy khắp sảnh tiệc với các bài hát STCo truyền thống trước sự chứng kiến của quan khách và cả những người đi xem kịch và sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa Quận Phú Nhuận.

Đám cưới của anh Lê Tiến Dũng, Tổng hội FPT HCM

Đám cưới của anh Lê Tiến Dũng, Tổng hội FPT HCM, vào ngày 12/12/2008 tại khu du lịch Văn Thánh, khách mời 95% là bạn bè trẻ, hầu như không mời các bô lão bạn bè của gia đình. Anh Dũng lý giải: “Đám cưới phải vui nhộn, tươi trẻ, các cụ đến ăn xong rồi về sớm thì chán lắm”.

Những đám cưới ‘độc’ của người FPT
Chú rể Dũng Coli (thứ 3 từ trái sang) đã biên đạo 2 bài nhảy tập thể tại tiệc cưới. Ảnh: NVCC.

Theo anh Dũng, đám cưới được áp dụng hoàn toàn các quy chuẩn tổ chức sự kiện FPT từ việc lên check list đến chương trình cụ thể và dự trù kinh phí. Tổng thể chương trình chi tiết được liệt kê theo đúng tiêu chuẩn tổ chức… Hội thao 13/9. Chương trình nêu rõ phần việc của người nào, sơ đồ vị trí đứng, bố trí bàn của đối tượng nào cũng được in ra và giao cho thành viên Ban tổ chức nắm rõ để sắp xếp.

Điểm nhấn của buổi tiệc là video clip cây nhà lá vườn do chính chủ nhân và khách mời “tự biên tự diễn” từ nhiều tuần trước đó. Clip do bạn bè Dũng dựng hoạt cảnh là đi từ quê lên thành phố tham dự tiệc cưới với xủng xoẻng đồ mừng nón lá, bénh tét, gà vịt…

Tiếp theo, clip mô tả lại cảnh chú rể hì hục chở cô dâu đến lễ cưới, đi giữa đường thì xe chết máy. Chú rể đạp mãi xe không nổ, cô dâu chỉ cần “vẩy chân”, xe chạy tít. Cả hai lại “bon bon” đến lễ cưới.

Sau phần lễ, cô dâu và chú rể mỗi người cầm một chai bia Heneiken thay vì rượu giao bôi đi mời mọi người. Bình quân cứ ba bàn là hết sạch một chai bia, thậm chí, cô dâu còn uống nhanh hơn chú rể. Sau đó, cô dâu chú rể mời hết một lượt 52 bàn tiệc, mỗi người uống 18 chai.

Trên sân khấu chính, ban nhạc FPT chuẩn bị các tiết mục từ nhạc STCo đến nhạc chính thống, từ nhạc đỏ đến nhạc rock, đơn ca tốp ca và “cả đống” cùng ca.

Màn nhảy tập thể khu vực trung tâm dưới sân khấu chính làm náo động cả hội trường, trong đó có 2 trong 3 bài nhảy do chú rể biên đạo. Màn khiêu vũ cổ điển tập thể tưng bừng đến tàn tiệc. Kết thúc, cô dâu tung hoa cưới. Ngay sau buổi tiệc, đôi uyên ương lên xe đi tuần trăng mật tại Phan Thiết trong trang phục cưới.

Tại lễ cưới, ba máy quay thực hiện cùng lúc ghi lại nhiều góc độ của sự kiện. Ê-kíp âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp được thuê công ty bên ngoài để đảm bảo tính ổn định về chất lượng phục vụ.

Để có đám cưới hoành tráng như vậy, Dũng “Coli” phải bàn trước nội dung với vợ sắp cưới vài tháng. Anh cũng tham khảo ý kiến của người bạn làm sự kiện và có máu nghệ sỹ.

Tại đám cưới Thọ “Vẩu”, FPT Trading vào năm 2008 tập hợp toàn bộ hạt nhân “máu mặt”, lừng danh của FPT như Hiếu “Thịt chó”, Dũng “Đê tiện”, Quang “Thần chết”, Nhạc sỹ Trương Quý Hải, Mr Tiến “Béo”… Màn khuyấy động của nhân vật có tiếng ở FPT khiến cho đồng nghiệp ở cơ quan vợ anh Thọ tròn mắt vì lần đầu tiên dự đám cưới vui như thế.

Hồi đó, Thọ “Vẩu” còn làm cán bộ Tổng hội. Toàn bộ các khâu Thọ “Vẩu” đều nhờ mối quan hệ Tổng hội như văn nghệ, MC, đàn organ, thậm chí cả bộ âm thanh loa mic “thửa” riêng cho đám cưới để hát hò cũng được tặng. Thọ chia sẻ: “Mình thực sự thấy xúc động vì các bạn cán bộ Tổng hội giúp đỡ rất nhiệt tình, hát hò ầm ĩ để chia vui với vợ chồng mình đến tận cuối cùng của chương trình”.

Lưu Vân/chungta.vn