Các diễn giả FPT tại Vietnam DX Day 2020 đã vẽ nên bức tranh chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực quan trọng của xã hội, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số thành công cho các doanh nghiệp, tổ chức trong ngành liên quan.
Nội dung bài viết
Nhà F trao đổi với các đại biểu những kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số.
Ngày 15/12, trong khuôn khổ Vietnam DX Day 2020 tại Hà Nội, 6 hội thảo chuyên đề đã được tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực Y tế, Tài chính ngân hàng, Logistics, Nông nghiệp, Sản xuất công nghiệp và Doanh nghiệp SMEs (vừa và nhỏ). Diễn giả nhà F có tham luận tại 4 hội thảo, kể nhiều câu chuyện “người thật, việc thật”, trao đổi với các đại biểu những kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số.
Phiên sáng diễn ra hội thảo Chuyển đổi số trong ngành Y tế, với nhiều thông tin hữu ích cho người theo dõi. Đóng góp cho hội thảo này là Giám đốc Công nghệ FPT IS Nguyễn Xuân Việt. Điểm qua những xu hướng ứng dụng công nghệ trong y tế số, anh Việt nhận định, kỳ vọng sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành y tế là rất lớn và liên thông dữ liệu đóng vai trò hết sức quan trọng. “Để thực hiện chuyển đổi số cho y tế, phải làm rất nhiều thứ: tăng trải nghiệm cho người bệnh, tăng hiệu suất của các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng và hình ảnh của ngành y tế. Sử dụng công nghệ số có thể thay đổi các hình thức chăm sóc cho người bệnh”, anh cho biết.
Nền tảng phân tích dữ liệu là trái tim của chuyển đổi số
Phân tích tính phức tạp của dữ liệu trong ngành y tế, anh Việt khẳng định dữ liệu cũng như nền tảng phân tích dữ liệu là trái tim của chuyển đổi số ở lĩnh vực này. Thực tế, FPT đã triển khai thành công nền tảng số và hệ thống lưu trữ cho Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp. Đây là hệ thống đầu tiên toàn diện nhất quản lý thông tin ngành y tế. Kể từ tháng 6 khi đi vào hoạt động, hệ thống đã kết nối và chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018 đối với tất cả cơ sở y tế địa phương, tạo lập kho hồ sơ dữ liệu y tế điện tử cho hơn 1 triệu dân trên toàn tỉnh với trên 9,2 triệu lượt hồ sơ khám, chữa bệnh.
Từ đó, lãnh đạo ngành có hệ thống tổng thể quản lý các số liệu y tế và diễn biến y tế ở trong tỉnh, góp phần ra quyết định nhanh chóng. Chuyên gia có thể truy vấn dữ liệu lịch sử khám chữa bệnh của người dân, hạn chế các chỉ định lặp lại tiết kiệm rất nhiều chi phí cho người bệnh. Người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử và hẹn lịch khám từ xa, nhận được những thông tin cảnh bảo từ Sở y tế, in hồ sơ, đơn thuốc nhanh chóng.
Hệ sinh thái FPT.eHospital 2.0
Anh Nguyễn Xuân Việt cũng giới thiệu hệ sinh thái FPT.eHospital 2.0, được triên khai tại nhiều cơ sở y tế, điển hình là Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng, Bệnh viện Đa khoa Vinh, Quảng Ninh, đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất của Bộ Y tế. FPT hiện cũng phát triển akaMedic – ứng dụng AI trong chẩn đoán ung thư dựa trên hình ảnh siêu âm.
“Đồng hành ngành y tế hơn 20 năm qua, FPT đã xây dựng được hệ sinh thái FPT Healthcare bao gồm đầy đủ các sản phẩm từ chăm sóc người bệnh, cũng như các giải pháp xoay xung quanh chủ đề y tế thông minh, mang lại hiệu quả cho 4 bên: người dân, nhân viên y tế, quản lý bệnh viện, cơ quan quản lý cấp nhà nước”, CTO nhà Hệ thống kết thúc tham luận.
Lựa chọn và sử dụng ngay trên các nền tảng xã hội phổ biến như Zalo hay Facebook
Cùng thời gian đó, tại hội thảo chuyên đề Chuyển đổi số trong ngành tài chính – ngân hàng, Giám đốc Giải pháp FPT Smart Cloud Dương Lê Minh Đức đã mang đến những kinh nghiệm từ góc độ người làm nghề trực tiếp.
Anh Đức đánh giá, ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp tài chính là để tăng năng suất, tự động hoá và đổi mới. Đối tượng hưởng lợi là khách hàng, các tổ chức tài chính. “Hiện nay, khách hàng muốn được trải nghiệm phương thức tương tác nhanh chóng và tiện lợi hơn, lựa chọn và sử dụng ngay trên các nền tảng xã hội phổ biến như Zalo hay Facebook, theo dõi và đánh giá trực quan các vấn đề với doanh nghiệp”, anh diễn giải.
Giám đốc trẻ chia sẻ 3 câu chuyện chuyển đổi số thành công mà FPT đã thực hiện cùng khách hàng. Đầu tiên là một doanh nghiệp môi giới chứng khoán hàng đầu Việt Nam. Với công ty này, FPT cung cấp hai sản phẩm là chat bot và RPA. Với thời gian hỗ trợ khách hàng 24/7, giải pháp đạt hiệu suất trên 60%, mức độ hài lòng của khách hàng 4/5 điểm, tỷ lệ chuyển đổi trên 20%.
Khách hàng có thể rút ngắn 80% thời gian chờ đợi
Câu chuyện thứ hai từ một ngân hàng hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam. FPT cũng dùng hai công nghệ là OCR và RPA để trích xuất thông tin từ khoản vay, phân loại và tự động hoàn hiện hồ sơ trên hệ thống. Từ đó khách hàng có thể rút ngắn 80% thời gian chờ đợi, doanh nghiệp tiết kiệm 60% nhân lực, giảm trên 80% thời gian xử lý trung bình.
Cuối cùng là một ngân hàng Việt Nam tự động hóa sử dụng voicebot FPT cung cấp để động hóa quy trình nhắc lịch thanh toán và đặt lịch hẹn, gia hạn thẻ thông qua tổng đài CSKH. Kết quả: tăng 40% năng suất tổng đài viên, nhân lực chuyển sáng làm những tác vụ cao cấp hơn, trải nghiệm khách hàng khi giao tiếp tăng đến 80%.
Nền tảng AI được ứng dụng cho các sản phẩm chatbot
Để đạt được những con số ấn tượng đó, FPT có nhiều giải pháp công nghệ. Điển hình như nền tảng AI được ứng dụng cho các sản phẩm chatbot, trợ lý ảo tổng đài, OCR và eKYC với 4 công nghệ lõi: xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tổng hợp – nhận dạng giọng nói, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu. AkaBot giúp tự động hóa quy trình, thời gian triển khai chỉ mất 1 tuần và khả năng hoàn vốn lên tới 70% cho doanh nghiệp.
Anh Dương Lê Minh Đức kết luận, CNTT được ứng dụng để giảm các nghiệp vụ có tích chất lặp lại, cần nhiều nguồn lực, giảm thiểu thời gian chờ đợi của khách hàng, đi cùng khách hàng, xử lý dịch vụ bán hàng một cách thông minh và mang tính cá nhân hoá cao.
Trong phiên buổi chiều, tại hội thảo Chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số FPT Nguyễn Trường Hiệp đưa đến cho các đại biểu cái nhìn tổng quan về công cuộc phát triển nông nghiệp bằng ứng dụng công nghệ số.
Muốn đi thì chúng ta cần biết mình đang ở đâu
“Muốn đi thì chúng ta cần biết mình đang ở đâu”, anh Hiệp mở đầu tham luận. Theo anh, Nông nghiệp Việt Nam là ngành quan trọng nhưng còn nhiều điểm hạn chế, phát triển chưa đúng với tiềm năng, Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp nước ta rất lớn, khoảng 41 tỷ USD nhưng tăng trưởng chỉ ở mức 2,2% và phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực thủ công. Các hộ nông dân đều đã được tiếp nhận công nghệ, tuy nhiên họ còn gặp khó khăn về tài chính mặc dù giá đầu tư công nghệ đã thân thiện rất nhiều so với cách đây khoảng 10 năm. “Câu chuyện giờ đây là đưa công nghệ tới nhiều người hơn chứ không phải đưa công nghệ về Việt Nam nữa”, anh Hiệp nói.
Nêu nhiều ví dụ về chuyển đổi số trong nông nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam, anh Nguyễn Trường Hiệp cho biết, xu hướng tương lai cho thấy nông nghiệp sẽ phát triển trở thành một ngành công nghệ cao và Việt Nam đang hướng đến nông nghiệp chính xác. Khẳng định chuyển đổi số là con đường phải đi của nền nông nghiệp nước nhà, chuyên gia FPT chỉ rõ, để thúc đẩy hộ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp tăng tốc chuyển đổi số cần sự chung tay của tất cả, từ chính phủ, công ty công nghệ, tổ chức tài chính, người tiêu dùng.
FPT luôn sẵn sàng trở thành đối tác
Anh Hiệp khẳng định, FPT luôn sẵn sàng trở thành đối tác, đem thế mạnh, sự thấu hiểu khách hàng và phương pháp luận FPT Digital Kaizen để chuyển giao và triển khai kiến thức cho tất cả doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ vậy, Tập đoàn còn mong muốn doanh nghiệp có thể tự đi tiếp con đường công nghệ của mình để nông nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn, đúng với tiềm năng và hợp tác, cạnh tranh sòng phẳng với các nền nông nghiệp trên thế giới.
Cũng giới thiệu phương pháp luận FPT Digital Kaizen, anh Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc chuyển đổi số cho sản xuất khu vực châu Á Thái Bình Dương của FPT Software có bài tham luận ở hội thảo Chuyển đổi số trong Sản xuất công nghiệp. Tại đây, anh đề cập những kinh nghiệm mà FPT và Phần mềm nhà F có được khi thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất.
Nhu cầu khách hàng thay đổi rất nhanh và ngày càng đa dạng
Anh Hiển cho biết, FPT Software làm nhiều dịch vụ cho công ty nước ngoài, nhưng hiện tập trung cung cấp tập trung nhiều trong thị trường Việt Nam. Cụ thể, công ty đầu tư làm giải pháp cho nhiều doanh nghiệp nội như akaminds, akaChain, akaBot, akaMES, akaAT, akaInsights, akaDrive…
Nhu cầu khách hàng thay đổi rất nhanh và ngày càng đa dạng, cộng với những thay đổi về địa chính trị, đòi hỏi doanh nghiệp có năng lực thích ứng, ra quyết định nhanh chóng. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số phải gắn công cuộc này với hoạt động kinh doanh, lấy chuyển đổi số để tăng doanh thu, hướng tới đổi mới sáng tạo.
Chuyên gia Phần mềm nhà F giới thiệu akaMES
Đánh giá quy trình có thể ít biến động nhưng hành vi của con người lại thay đổi liên tục, anh Hiển chia các sáng kiến số của doanh nghiệp thành hai chiều tương ứng. Anh cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số khác ứng dụng CNTT: chuyển đổi số là hành trình số hoá dựa trên các vấn đề cần giải quyết với sự hỗ trợ của công nghệ, đòi hỏi sự tham gia của nhiều phòng ban và cần sự liên kết để đạt được mục tiêu cuối cùng của cả doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là văn hoá và cách thức làm việc mới. Lộ trình chuyển đổi số không thể đốt cháy giai đoạn mà cần đi qua từng giai đoạn như tích hợp số liệu, phân tích…
Giải pháp chính mà FPT Software muốn tập trung cho các nhà máy là số hóa trong sản xuất. Chuyên gia Phần mềm nhà F giới thiệu akaMES – hệ sinh thái bao gồm những ứng dụng để quản lý thông tin trong nhà máy, trải dài từ khi tập hợp nguyên liệu, gia công… cho đến khi hoàn thành sản phẩm và xuất bán cho khách hàng, giúp giải quyết 3 vấn đề cốt yếu trong sản xuất. Hiện tại, giải pháp này được ứng dụng tại hai doanh nghiệp Việt và đang tiếp cận nhiều doanh nghiệp khác. So với một số sản phẩm nước ngoài, akaMES giúp tiết kiệm khoảng 70% chi phí và tăng 15% hiệu suất sản xuất, tiền đề để cải tiến liên tục cho công ty.
Hoa Hạ/chungta.vn
Ảnh: CTV