Năm 2020 đầy biến động của nước Mỹ dường như không hề khiến Tạ Ngọc Đại (FPT Mỹ) lung lay. Ngược lại, chàng trai Bạc Liêu coi đây là một trải nghiệm mới cần thiết và chỉ cần thời gian để làm quen thì “sẽ ổn cả”.
Đêm tân hôn vốn luôn là sự kiện đáng nhớ, nhưng với Tạ Ngọc Đại, nó còn đánh dấu một mốc mới trong sự nghiệp của anh. Chính trong buổi tối tổ chức lễ cưới cũng vào một ngày tháng 12 cách đây 2 năm, Đại có cuộc phỏng vấn để quyết định việc sang Mỹ công tác. “Nghĩ lại vẫn thấy khó tả. Làm lễ xong chưa kịp động phòng thì phải phỏng vấn, phỏng vấn xong mới được động phòng”, anh bật cười lớn khi hồi tưởng.
May mắn, cuộc trao đổi đã diễn ra suôn sẻ, hai vợ chồng anh vui mừng khôn xiết. Đúng một tuần sau đó, Đại bay tới Mỹ, ở đó khoảng 3 tháng để chốt dự án với khách hàng rồi lại về Việt Nam đưa vợ sang. Hành trình ở xứ cờ hoa của anh chính thức bắt đầu. Hiện, anh là một trong hai người FPT sinh sống và làm việc tại New York.
Sang New York, Đại đảm nhận công việc Delivery Manager (quản lý sản xuất) cho khách hàng General Electric (GE), tập đoàn phát triển từ sự sáng lập của những nhà phát minh kiệt xuất. Đại dành niềm yêu thích đặc biệt cho GE đã từ lâu, hơn nữa, Mỹ lại là cường quốc IT, 9X đời đầu như đang sống trong giấc mơ đời mình.
Giấc mơ ấy không hoàn toàn êm ả, bởi Mỹ là một đất nước tự do, và điều gì cũng có thể xảy ra tại New York – thành phố lớn nhất quốc gia này. Covid-19 ập đến. Thời điểm đầu đại dịch, “Big Apple” vốn thường tấp nập người đi bộ, khách du lịch bỗng vắng lặng khác thường, chẳng còn ai khiến Đại hơi “ngộp”, lạ lẫm. “Nhưng rồi cũng quen”, anh tâm sự. Đó là câu Đại luôn dùng để kết luận mỗi khi nhắc về những thay đổi trên đất Mỹ mà anh gặp trong suốt một năm qua.
Giai đoạn khủng hoảng nhất, tháng 3-4, riêng tiểu bang New York có những ngày số người tử vong lên tới cả nghìn. “Đường tới bệnh viện tắc nghẽn hết. Đài báo, tin tức, chỉ toàn bệnh dịch. Siêu thị thì hàng hóa khan hiếm. Giai đoạn đầu dịch bệnh sạch bóng giấy vệ sinh, khẩu trang và sát trùng cũng không có. Thực phẩm thì thiếu thốn, nhưng không hoàn toàn hết hẳn, vẫn đủ sống qua ngày”, Tạ Ngọc Đại nói về những ngày đầu sống chung với Covid.
Công việc của Đại và đồng nghiệp được chuyển hết về nhà để làm online. “Cũng có thời điểm khách hàng nói với mình, họ trả tiền để mình qua Mỹ ngồi làm việc cho họ mà rốt cuộc lại ở nhà thế này thì không khác gì mình vẫn ở Việt Nam cả, nhưng họ cũng thấu hiểu thôi, tình thế bắt buộc mà”, Đại giãi bày.
Mùa xuân ở New York rất tươi đẹp nhưng cả thành phố không ai dám ra đường, cộng với lệnh ở nhà trừ khi có việc khẩn cấp, Đại cảm thấy đôi phần tù túng. “Mà cũng chỉ những lúc đó thôi, giờ đỡ hơn rồi, quán xá đã mở lại, chỉ có làm việc thì vẫn phải ở nhà”, chàng trai quê Bạc Liêu nói.
Làm ở nhà đã 9 tháng, Đại cho biết đặc thù công việc IT khiến làm việc từ nhà khó khăn hơn. “Mở mắt ra là làm, làm xong nhắm mắt là ngủ, khá cực”. Trước khi có Covid, giữa công ty và nhà còn được tách biệt, giờ Đại ở nhà luôn nên lúc nào cũng có việc, không phân định thời gian nữa.
Tạ Ngọc Đại cũng chưa từng nghỉ ngơi trong suốt 8 năm đi làm. Tốt nghiệp Đại học, 9X đầu quân luôn cho FPT Software. Anh học khóa tiếng Nhật của công ty, sang Nhật Bản rồi về Việt Nam làm việc. Sau đó, Đại lại sang Nhật, làm cho FPT Japan khoảng 2 năm. “Hồi ở Việt Nam mình làm PM (quản trị dự án). Nếu ví dự án là một trận chiến thì lúc đó mình là hậu phương, còn khi qua Nhật, qua Mỹ là đã bước lên tiền tuyến, ‘đánh lộn’ với khách hàng”, anh cười.
Đại kể, người Nhật làm việc đầu tắt mặt tối, sang đó hầu như ai cũng bị cuốn vào văn hóa làm việc của họ. Người Nhật rất kỹ tính, làm tới đâu chắc tới đó, độ chi tiết, hoàn thiện, đầu ra phải hoàn hảo. Người Mỹ thì lại linh hoạt hơn. “Họ cần nhanh chứ không cần hoàn hảo. Nếu như làm với người Nhật một sản phẩm trong 3 tháng, thì 3 tháng sau sản phẩm phải cực kỳ tốt. Còn với Mỹ họ có thể chỉ cho một tháng thôi, chấp nhận mất thời gian thử, sau đó cải thiện dần trong hai tháng còn lại. Nhưng đó là câu chuyện rộng lớn, còn thực tế mọi điều vẫn phụ thuộc vào khách hàng”, anh đúc kết.
Tạ Ngọc Đại cũng lưu ý khác biệt lớn giữa hai môi trường mà anh chinh chiến, “làm với người Nhật mà nói được tiếng Nhật, coi như mình đã đáp ứng 50% kỳ vọng của họ rồi. Còn qua Mỹ, nói tiếng Anh giỏi chỉ đảm bảo được đâu đó khoảng 20% yêu cầu thôi”. Đại nhận xét, người Nhật đồng ý dạy, chỉ cần biết ngôn ngữ, còn với Mỹ nếu thất bại sẽ bị “hất cẳng” luôn. “Họ rất nhiều lựa chọn về nhà thầu và tiếng Anh thì hầu như ai cũng rành nên tính cạnh tranh là rất cao và từ nhiều chiều”, anh đánh giá. Bởi vậy, có trụ sở tại Mỹ và nói chuyện được sòng phẳng với người Mỹ là điểm rất sáng cho sự hiện diện của FPT ở đây.
Dành tình cảm đặc biệt cho Mỹ và New York với tất cả nét hào nhoáng lẫn xù xì, Tạ Ngọc Đại không quên những gì anh có được hiện tại cũng là nhờ tháng năm tại Nhật Bản. Không chỉ những kinh nghiệm làm việc, Đại “lãi” nhiều hơn thế. Thời gian ở xứ hoa anh đào đã giúp anh làm quen, yêu và cưới được bà xã, một cô gái Nhật Bản có đôi mắt cười.
Người bạn đời để cùng “ôm nhau ở nhà mỗi khi bên ngoài hỗn loạn” có lẽ chính là “gót chân Achilles” của Tạ Ngọc Đại. Những biến cố trong năm qua của nước Mỹ: Covid, bạo loạn từ phong trào Black Lives Matter… chưa từng khiến anh hoang mang. Gia đình lo lắng, giục về, nhưng Đại cho rằng “không có gì đáng ngại”, anh vẫn gọi điện về thường xuyên, cập nhật kỹ tình hình và trấn an mọi người. “Bản thân thì mình chả lo gì cả, chỉ lo cho vợ”, Đại trầm tư. “Cô ấy không nói tiếng Anh, mà nếu chẳng may hai vợ chồng mắc bệnh thì sẽ không được ở cùng nhau, không ai giúp vợ mình giao tiếp”.
Vài dự định lớn, Đại và vợ đã phải gác lại, để dành năm sau. Nhưng anh vẫn thấy dịch bệnh chưa phải là điều quá tồi tệ, bởi “chuyện gì rồi mình cũng có cách đương đầu cả thôi”. Hồi tháng 8, vợ chồng Đại tự tạo niềm vui mới bằng cách đi “phượt” miền Tây nước Mỹ trong 9 ngày, lấy xe chạy hơn 4.000 km. “Thiên nhiên rất đẹp, chúng mình rất vui, như vậy cũng là đủ cho 2020 rồi”, Đại hạnh phúc.
Hoa Hạ/chungta.vn
Ảnh: NVCC