Hơn 10 năm trước, chúng tôi – những lập trình viên FPT đến từ Việt Nam – đang tìm mọi cách thuyết phục hãng Boeing để tham gia vào dự án Digital Aviation của họ. Một dự án đầy thách thức.
Nếu vào được Boeing, cánh cửa sẽ mở cho chúng tôi vào thị trường Mỹ. Là hãng hàng đầu thế giới, Boeing chỉ quen làm việc với các hãng hàng đầu, nhiều kinh nghiệm. Còn chúng tôi, ngoài nhiệt huyết và sức trẻ, chưa có mấy khái niệm về hàng không. Nhiều khi thấy rất nản.
Trong một lúc như thế, chúng tôi vào thăm bảo tàng của Boeing ở Seattle – nơi đặt trụ sở hãng. Có thể nói bảo tàng là bức tranh toàn ngành chế tạo máy bay thế giới, nơi phô diễn lịch sử và sức mạnh của Boeing. Từ những ngày đầu, khi chàng trai Boeing mua phải chiếc máy bay “rởm”, bị rớt cánh rơi xuống hồ, đã quyết định tự lập ra hãng sản xuất máy bay.
Khu trưng bày cực kỳ ấn tượng. Đủ loại máy bay do Boeing sản xuất, từ chiếc Gossamer Albatross II bay bằng đạp chân, đến loại siêu hiện đại như chiếc SR 71 Blackbird hay một chiếc gì đó đen sì như cái đĩa bay, chắc đang thử nghiệm. Ngổn ngang các loại tiêm kích F8, F105, F4, F15… các loại ném bom như B29, B47, B52, B1… Giữa bom đạn, tên lửa kềnh càng, tự dưng tôi thấy lọt thỏm vào đó chiếc MiG 17 do Liên Xô sản xuất. Chiếc máy bay bé tí, sơn màu bạc, hiền lành như chú cún so với các chim sắt ngổ ngáo xung quanh. Trên mình nó có một ngôi sao.
Tôi ngạc nhiên vô cùng, đến gần xem. Biển giải thích nêu rõ: “F4 là loại siêu máy bay được thiết kế cho không chiến thời hiện đại, không ngờ lại bị MiG 17 chậm chạp, chuyên đánh kiểu ‘chó đàn’ từ thế chiến thứ hai, bắn hạ trên bầu trời Bắc Việt. Điều này đã thức tỉnh các kiến trúc sư của Boeing”. Hóa ra là vì bị MiG 17 bắn rơi, Boeing đã cạy cục mua bằng được một chiếc MiG 17 của Maroc, sơn lại phù hiệu của Không quân Việt Nam, rồi đem về trưng bày như bài học cảnh tỉnh.
Chiếc MiG 17 bé nhỏ mang trên mình ngôi sao của Không quân Việt Nam đã giúp chúng tôi thêm sức mạnh, tự tin vào bản thân mình.
Chúng tôi mở văn phòng tại Seattle, cử một người thường trực. Thấy được quyết tâm, Boeing đã cho chúng tôi cơ hội: một dự án POC (Proof of Concept) – một kiểu được làm bài thi. Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được rồi thì mặt vàng như nghệ. Không thể kể hết những khó khăn: công nghệ mới, giao tiếp chật vật, kinh nghiệm ít ỏi về ngành hàng không. Nhưng các chàng trai cô gái trẻ đã vượt qua, chiếm được lòng tin của khách hàng.
Vài năm sau, chúng tôi bước vào thuyết phục ông lớn nữa của ngành sản xuất máy bay – Airbus – để đồng hành cùng họ phát triển một nền tảng mới cho ngành hàng không. Skywise là nền tảng công nghệ dữ liệu mở trong lĩnh vực hàng không được Airbus giới thiệu hồi tháng 6/2017 với mục đích giúp tất cả doanh nghiệp trong lĩnh vực này trên thế giới cải thiện hoạt động và kết quả kinh doanh, đồng thời hỗ trợ họ chuyển đổi số. Vẫn các buổi thuyết trình, vẫn POC, vẫn khó khăn, nhưng lần này chúng tôi đã tự tin hơn nhiều.
Ngày 3/4/2019, FPT mở văn phòng tại Toulouse, nơi đặt đại bản doanh của Airbus. “Đây là dự án cho ngành hàng không toàn thế giới. Chúng tôi sẽ đi cùng nhau trong một tương lai dài”, Giám đốc Dự án Skywise toàn cầu của Airbus, ông Mathew Evans, nói.
Người nông dân lái máy bay Nguyễn Văn Bảy vừa qua đời. Ông ra đi thanh thản, đúng tinh thần “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Chiến công của ông không cần kể lại. Lái máy bay loại cổ lỗ sĩ từ thời chiến tranh thế giới thứ hai, đương đầu với các máy bay tiêm kích hiện đại nhất của kẻ địch hùng mạnh nhất. Song, ông đã bắn là kết liễu: 7 loạt đạn hạ 7 máy bay địch. Bạn bè hân hoan. Kẻ thù kính phục.
Nhưng người anh hùng chân đất không biết, hơn 40 năm sau, ngôi sao trên cánh én bạc của ông và đồng đội đã tiếp sức cho chúng tôi trong một cuộc đối đầu gay cấn không kém để tiến vào thị trường Mỹ.
Lịch sử không bị lãng quên. Lịch sử vẫn tiếp diễn, từ nông dân lái máy bay đến những chàng trai cô gái nông dân lập trình.
Nguyễn Thành Nam