Đó là thông điệp mà ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đến các tổ chức, doanh nghiệp tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020.
Khuyến nghị chuyển đổi số cho chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp
“Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người”, ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh một số nội dung về chuyển đổi số. Theo đó, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số. Mỗi cơ quan, tổ chức là khác nhau, vì vậy, chiến lược và kế hoạch hành động cũng khác nhau. Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức hãy là người tư duy, lựa chọn định hướng, xác định mục tiêu và ra đề bài về chuyển đổi số.
Đối với các bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyển đổi số không chỉ là trong hoạt động của nội bộ của bộ mình, mà là chuyển đổi số của ngành mình.
Đối với các địa phương, chuyển đổi số không chỉ là hoạt động của cơ quan nhà nước, mà là phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương mình. Tỉnh ủy thảo luận, ra nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. UBND tỉnh ban hành chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể hoá Nghị quyết của Tỉnh uỷ.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020
Đối với khối doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
“Doanh nghiệp công nghệ lớn hãy tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian để trên đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Có như vậy, mới tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Địa phương hãy tập trung phát triển các doanh nghiệp tư vấn ứng dụng công nghệ số, mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống tại địa phương”, ông Dũng khuyến nghị.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Hàng tuần, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Ngày thứ 6 Công nghệ số, mỗi tuần ra mắt một nền tảng số Make in Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi doanh nghiệp công nghệ số có nền tảng tốt hãy tham gia.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị khẩn trương ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, trong đó chú ý kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán. Những nền tảng quy mô bộ, ngành, địa phương cần triển khai tập trung. Ứng dụng và dịch vụ có thể triển khai phân tán.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hãy sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ, thông qua việc sử dụng các nền tảng. Lúc đó, công nghệ số cũng giống như điện, như nước, các dịch vụ cơ bản chỉ bình quân vài chục nghìn đồng / 1 người / 1 tháng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là một hành trình. Để đo xem mỗi cơ quan, tổ chức đã đi bao xa trên hành trình đó, và có đi đúng hướng không, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức nhà nước nước. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục ban hành bộ chỉ số tương tự cho các doanh nghiệp.
“Các bộ, ngành, địa phương hãy dùng bộ chỉ số đó để tự đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2020 này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xác nhận, kiểm tra và công bố vào đầu năm 2021”, ông Dũng cho hay.
Bồi đắp thêm vào không gian tri thức chuyển đổi số
Với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối”, Chương trình là hoạt động thiết thực đồng hành cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
Công ty nghiên cứu McKensey thì chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.
Còn theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD.
Những năm qua, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo số liệu từ Bộ Thông tin & Truyền thông, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 11 tỷ USD. Nhân lực ngành CNTT khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên.
Theo Cisco (2019), mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam đang ở mức trung bình ở vị trí 70/141 quốc gia, với điểm mức là 12,06/25 điểm. Theo Temasek, Bain&Company (2019), Kinh tế số của Việt Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm TMĐT, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ.
Theo khảo sát của VINASA với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; và Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.
Ngay trong Phiên khai mạc, nhiều thông tin chia sẻ rất hữu ích cũng được chia sẻ như: Định hướng, kết quả đạt được và các chính sách thúc đẩy sáng tạo của Hàn Quốc trong cách mạng 4.0 (Chương trình I-Korea 4.0); Chính sách chuyển đổi số các ngành công nghiệp và hạ tầng mới của Trung Quốc; Chính sách phát triển kinh tế số với 2 chương trình lập quỹ thúc đẩy tiến trình số hoá quốc gia và các dịch vụ thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, vườn ươm công nghệ của Malaysia; Chương trình 5G của Newzeland để thúc đẩy kinh tế số. GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế quốc dân trình bày nghiên cứu “Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số”. Các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam như VNPT, FPT, MISA cũng có phần chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi khó khăn khi triển khai các giải pháp chuyển đổi số với các cơ quan chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp.
Nối tiếp các bài phát biểu chính là phần Tọa đàm do ông Trương Gia Bình – Chủ tịch VINASA điều phối, cùng sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương đang đi tiên phong về chuyển đổi số và các chuyên gia công nghệ, xoay quanh nội dung làm gì để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ngày mai, 15/12, Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra với 6 hội nghị chuyên đề xoay quanh việc chuyển đổi số trong 6 ngành và lĩnh vực trọng điểm: Nông nghiệp, Y tế, Logistics, Tài chính – Ngân hàng, Sản xuất công nghiệp và nhóm Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Bên cạnh các báo cáo và bài phát biểu chính, chương trình còn có triển lãm giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, hoạt động kết nối cung cầu, tư vấn về chuyển đổi số dành cho các bên quan tâm.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA nhận định: “Mỗi bộ ngành, mỗi doanh nghiệp có sự quan tâm đầu tư và “kịch bản” riêng cho lộ trình chuyển đổi số của mình. Qua những chia sẻ tại Diễn đàn này, có thể thấy yếu tố tiên quyết mang lại thành công trong chuyển đổi số chính là Tầm nhìn và Quyết tâm thực hiện của các tổ chức, doanh nghiệp… Nâng cao nhận thức là câu chuyện chúng ta nói nhiều rồi, nhưng để thực hiện thì bắt đầu từ đâu? Từ TẦM NHÌN, để chúng ta vạch ra lộ trình xuyên suốt. Rồi làm như thế nào, làm được đến đâu… thì lại cần đến sự QUYẾT TÂM của cả một tổ chức, để nhân sự đồng lòng, để huy động các nguồn lực một cách cao độ”.
Đại diện VINASA cũng kỳ vọng, qua Diễn đàn lần này, bồi đắp thêm vào không gian tri thức chuyển đổi số những kinh nghiệm thực tiễn sống động và các giải pháp hiệu quả để cộng đồng doanh nghiệp Việt có thể tham khảo, lựa chọn cho hành trình của mình, qua đó tích cực kết nối hợp tác cung – cầu về chuyển đổi số.
Theo: Hữu Tuấn/baodautu.vn