“Tôi làm kinh doanh với cái nhục. Ngày xưa, khi ra nước ngoài, người ta khinh bỉ tôi. Chúng tôi muốn chứng minh rằng, người Việt Nam đáng được tôn trọng, bình đẳng bằng công việc của mình”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ về “tâm thức, khát vọng” của đội ngũ FPT trước bước ngoặt chuyển dịch từ Công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thành Tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số.
“Mỗi cá nhân sẽ là một doanh nghiệp số”
Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư được tổ chức tại TP.HCM, chiều 31/05, ông Trương Gia Bình – “linh hồn” của FPT khẳng định “đang đầy hy vọng” khi tham gia vào lĩnh vực cung cấp giải pháp chuyển đổi số, với quy mô không giới hạn tại bất cứ một quốc gia nào và có thể kéo dài từ 15-20 năm tới. Đó không chỉ là hy vọng dành riêng cho FPT mà còn là kỳ vọng được dành cho Việt Nam.
Ông Bình nhận thấy, FPT luôn là đơn vị tiên phong trong ngành ngay sau lễ kỷ niệm 30 thành lập Tập đoàn vào năm ngoái. Nếu 10 năm đầu, FPT tiên phong trong việc đem công nghệ thế giới về Việt Nam, đó là những hệ thống máy tính được sử dụng trong ngành ngân hàng đời đầu tiên, thì sau đó, họ mở rộng “bờ cõi trí tuệ” của đất nước bằng con đường không một ai đi, mang tên xuất khẩu phần mềm.
“Nhiều người nói rằng, quên chuyện ấy đi. Nhưng tôi tin, người Ấn Độ, người Trung Quốc làm được, cớ gì người Việt Nam không làm được”, ông Trương Gia Bình nhớ lại rồi nói về những bằng chứng rằng ông đã không sai với quyết định ấy qua kết quả hiện hữu.
Năm 2018, mảng xuất khẩu phần mềm đến 45 quốc gia đã đóng góp 92,7% trong hơn 9.000 tỷ đồng doanh thu từ thị trường nước ngoài. Tập đoàn có hơn 16.000 lập trình viên trong tổng số gần 28.000 nhân sự với 31 quốc tịch,…
FPT trích dự báo của IDC, đến năm 2022 quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ CNTT. Năm 2018, riêng chi tiêu cho chuyển đổi số đạt 1.300 tỷ USD, tăng trưởng 16,8%, trong khi tổng thị trường dịch vụ CNTT đạt 1.000 tỷ USD và chỉ tăng trưởng 4%.
Ông Bình lý giải, chuyển đổi số là giải quyết các vấn đề nhức nhối trong hoạt động của doanh nghiệp và thoả mãn khách hàng thông qua việc phân tích và khai thác dữ liệu dựa trên ứng dụng công nghệ số. Và nếu điều đó được thực hiện, “mọi tổ chức sẽ là tổ chức số, mọi lãnh đạo sẽ là lãnh đạo số, mọi chi phí sẽ là chi phí số, và mỗi cá nhân sẽ là một doanh nghiệp số”.
Chủ tịch FPT cũng đánh giá, tất cả các nhà hoạch định, quản trị doanh nghiệp đang chuyển ngân sách dành cho CNTT sang chuyển đổi số. Vấn đề là đơn vị nào có thể “giành” được ngân sách này. Và, tại sao lại là FPT mà không phải ai khác?
FPT hiện giờ, không phải trả lời các câu hỏi “chặn đường” mà trước kia luôn phải trả lời về đặc điểm nào hay ho hơn các doanh nghiệp cùng ngành trên toàn cầu. Ngày nay, FPT chỉ cần nói về việc, họ đang thực hiện những công nghệ như thế nào và với ai. Ông Trương Gia Bình cho rằng đó là lợi thế cũng như tự tin vào hành trình hơn 3 thập kỷ đi đúng hướng của FPT khi có thể phát huy sức mạnh của mình với công nghệ AI, Bigdata, robot, chatbot,…
“Airbus nói rằng, chúng tôi có thể tự hào những công nghệ mới nhất Airbus cần FPT đều đang có”, ông Bình chia sẻ và cho biết, họ đang cùng 2 đơn vị khác thực hiện chuyển đổi số cho 100 hãng hàng không hoà nhập vào nền tảng của công ty sản xuất máy bay có doanh thu hơn 63 tỷ EUR trong năm 2018 này.
Một điều “nhỏ” được xem là cực kỳ quan trọng để FPT cạnh tranh đó không chỉ là đáp ứng nhu cầu đang “nóng” nhất trên thế giới mà ông Bình khẳng định, lợi thế đến từ khả năng “không ai có thể làm tốt hơn, rẻ hơn như Việt Nam, như FPT”.
Nhưng rủi ro có thể đến từ nguồn nhân lực
Mỗi thị trường đều có cơ hội riêng biệt và cần tôn trọng văn hoá bản địa để có thể tồn tại bền vững.
Kinh nghiệm sau quá trình đi “chiến trường”, ông Bình hiểu sức hút của FPT đến từ nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng trao đổi trực tiếp Face to Face bằng chính ngôn ngữ của khách hàng. Bởi dù sao đi nữa, người Đức thích nói tiếng Đức với nhau, và công việc có thể tiến triển thuận lợi hơn, đặc tính tương tự cũng diễn ra với người Pháp, người Nhật, người Hàn,…
“FPT đã đầu tư rất vất vả trong thời gian qua, thực ra, trường đại học FPT được khởi tạo để cung cấp nguồn nhân lực biết mọi ngoại ngữ, và chúng tôi tiếp tục làm điều đó”, Chủ tịch FPT nói và tự tin, cùng một dự án, đội ngũ người Việt Nam của FPT có thực hiện trong một 1 tuần trong đội nhóm các doanh nghiệp ngoại khác của Đức hay IBM phải mất 3 tuần.
Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trên toàn cầu, FPT cho rằng, họ cần đến Công nghệ cùng Giáo dục. Và rủi ro về chuyển đổi số cũng sẽ phụ thuộc vào nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ đáp ứng nhu cầu hay không.
FPT đang lập ra lộ trình vừa phát triển nguồn nhân lực nội tại cùng kế hoạch tăng cường hợp tác với từng doanh nghiệp tại mỗi thị trường. Theo sau đó là tiếp tục M&A để đảm bảo gia tăng nguồn nhân lực cho mục tiêu vào tốp 50 doanh nghiệp chuyển đổi số lớn nhất trên toàn cầu trong 10 năm tới. Năm ngoái, FPT hoàn thành thương vụ M&A với công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ là Intellinet và sở hữu 90% cổ phần.
Nhân lực là yếu tố then chốt, mang tính chất quyết định đến lĩnh vực công nghệ của Tập đoàn. Do đó, FPT còn dự tính sẽ thành lập mô hình tổ hợp phần mềm và giáo dục khắp các tỉnh thành trên cả nước nhằm tận dụng được nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam. Và từ tháng 06/2019, Tập đoàn này sẽ thực hiện chiến lược quản lý mới theo phương thức, làm nhiều hưởng nhiều và nhân sự có thể tự tính được thu nhập của mình.
Trong hơn 3 thập kỷ phát triển, ông Trương Gia Bình cho rằng, việc nhân sự FPT đầu quân cho đơn vị khác là chuyện thường ở huyện và xem đó là một cách tham gia đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực trong ngành CNTT của nước nhà.
“Trước kia, chúng tôi tự nguyện đóng góp cho cộng đồng, nhưng nay, với nhu cầu tăng trưởng quá lớn, có khi cũng phải vì mình trước nên FPT đưa ra chính sách để đảm bảo giữ người. Các lập trình viên của Tập đoàn từ Nam chí Bắc bắt đầu có nhà riêng. Chúng tôi muốn các bà vợ giữ ông chồng ở lại làm đàng hoàng, không vì một lời chào ngắn hạn mà bỏ đi”, ông Trương Gia Bình chia sẻ và khẳng định, ở FPT, nhân sự trong mảng nào cũng luôn có cơ hội tiếp tục nâng trình độ với nhiều thách thức hấp dẫn. Vượt qua thách thức được đánh giá là thước đo mức độ tài năng của nhân sự.
Năm ngoái, sau khi ký hợp đồng lớn nhất trong lịch sử 3 thập kỷ phát triển (tổng giá trị 115 triệu USD), bước ngoặt của FPT sẽ chuyển từ doanh nghiệp gia công phần mềm sang Tập đoàn cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Đây là dấu mốc mang tên “con cá chép ở cái ao hẹp vượt vũ môn để hóa rồng” và vị Chủ tịch FPT tin rằng, họ sẽ làm được điều đó.
Theo: Hồng Phúc/baodautu.vn