“Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân. Chính phủ hãy tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”, anh Trương Gia Bình chia sẻ chiều 6/3 khi dự “Đối thoại 2045” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Sự kiện diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM), nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức. Đây là lần thứ tư trong nhiệm kỳ của mình, người đứng đầu Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước.
Chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường
“Chúng tôi muốn trao đổi ý kiến, đóng góp chiến lược của giới tinh hoa để hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu này. Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng di nguyện của Bác về một Việt Nam vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu sẽ trở thành hiện thực”, Thủ tướng nói và cho rằng 2045 là mốc tròn 75 năm để hiện thực hoá di nguyện lớn nhất của Bác Hồ.
Để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, nhiều người đang nói đến việc phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT kiêm Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khẳng định hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường.
Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ làm ra chính sách và việc lớn, còn việc cụ thể để doanh nghiệp làm. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là “bà đỡ”, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi ý tưởng.“Việt Nam có thể phát triển với tốc độ 12,5% đến 13%/năm như một số nước từng đạt được không hay là với chúng ta 8%/năm là tuyệt vời lắm rồi. Cộng đồng doanh nghiệp phải làm gì để chia sẻ khát vọng đó. Các doanh nghiệp có sẵn sàng tăng trưởng liên tục trong nhiều năm với tốc độ 20%- 30%/năm hay không. Và cộng đồng doanh nghiệp chưa đủ, đó phải là khát vọng của từng người dân, cả dân tộc”, anh Bình khẳng định.
Trong những năm tới, anh Bình kiến nghị về chính sách, trong chiến lược Việt Nam phải tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số…
Đề xuất chung sức giải quyết nghẽn lệnh chứng khoán
Cũng tại sự kiện, anh Trương Gia Bình đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Trước đề nghị này, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản đã thấy có 2.000 người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho hay, khi sàn chứng khoán TP HCM trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán mà không cần sử dụng ngân sách.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air cho rằng, để trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam phải có các sàn giao dịch mang tầm quốc tế. Để giải quyết vấn đề công nghệ cho HoSE có thể tốn hàng chục tỷ đồng nhưng hay hơn thì các doanh nghiệp, doanh nhân có thể chung sức giải quyết.
Bà Thảo mong Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Trong khi đó, theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thấy vinh dự và tự hào khi có đóng góp lớn cho xã hội. Nhất quán trong nhìn nhận, đánh giá tôn vinh sự đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình trong sự phát triển kinh tế tại địa phương và với đất nước.
Nguồn: Chungta.vn