Anh Trương Gia Bình là diễn giả của Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội.
Chủ trì hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên. Với quy mô hơn 53.000 trường học, khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành xác định chuyển đối số có vai trò quan trọng để đổi mới căn bản toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục.
“Chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhâp quốc tế”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ. Thể hiện sự đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh những việc làm liên quan đến công nghệ số, xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam hỗ trợ.
Xuất hiện tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” với tư cách là người đứng đầu một tập đoàn công nghệ lớn luôn cam kết đồng hành với quá trình chuyển đổi số quốc gia, anh Trương Gia Bình đánh giá cao việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhưng nhấn mạnh còn nhiều việc phải làm. Người đứng đầu Tập đoàn FPT kêu gọi cộng đồng công nghệ thông tin dốc lực cùng thực hiện và nhấn mạnh bối cảnh nhân loại đang đứng trước những thách thức chưa từng có ập đến với tốc độ không ngờ.
“Nhìn về tương lai có thể thấy điều chắc chắn nhất là không có gì chắc chắn cả. Báo cáo của các tổ chức thế giới viết 10 năm nữa thôi, 85% công việc mà chúng ta làm là chưa tồn tại. Vì vậy, các dân tộc đang bước vào cuộc đua số”, anh Bình lý giải.
Chủ tịch FPT cũng cho rằng cuộc đua chuyển đổi số “cần vô cùng tận một quyết tâm chiến thắng” và bày tỏ hy vọng Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông sẽ “mở tất cả cánh cửa để có một cuộc chiến thần tốc”.
Chia sẻ tại sự kiện, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel – Lê Đăng Dũng, cũng đề xuất Bộ cần sớm ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 cho ngành, đồng thời ban hành quy chuẩn công nghệ, kiến trúc thiết kế, yêu cầu nghiệp vụ với các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và nhà trường. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VNPT – Phạm Đức Long lại đề xuất việc đầu tiên cần làm là xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, tiếp tục bổ sung cơ sở dữ liệu thành phần như dữ liệu về giáo dục thể chất, tài chính để tạo ra bức tranh toàn diện.
Trong khuôn khổ hội thảo, hai bộ trưởng cũng đã ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo với các tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Hà My/chungta.vn