Đông Du – lối rẽ bất ngờ của FPT, khi giấc mơ Silicon Valley tan như bong bóng xà phòng – sau 15 năm đã trở thành niềm tự hào của ngành CNTT Việt Nam trên đất nước Nhật. Con đường vạn dặm ấy có dấu chân của lớp lớp thanh niên áo cam, mang theo mình giấc mơ và nỗ lực thực hiện khát khao mang tên quê hương viết lên toàn cầu.
Trong kế hoạch xuất khẩu phần mềm đầu tiên của anh Trương Gia Bình và FPT, không có chữ Nhật Bản. Cả thế giới lúc đó sôi lên với những triệu phú từ Silicon Valley. FPT cũng không tránh được cơn sốt này. Văn phòng đầu tiên của FPT được mở ngay tại San Jose.
Thời điểm năm 2000, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, FPT đứng trước khả năng kinh doanh thua lỗ do đầu tư cho những bước đi ban đầu quá lớn. Đến cuối tháng 11/2000, thấy con đường sang Mỹ đã bế tắc. Anh Bình bảo anh Nguyễn Thành Nam: “Có lẽ phải đi Nhật em ạ”.
Nội dung bài viết
Tại thời điểm đó, FPT cũng không có nhiều lựa chọn.
“Nam có biết tiếng Nhật không?”. “Em không biết”. “Anh cũng không biết”. Nhưng vẫn phải đi. Bởi tại thời điểm đó, FPT cũng không có nhiều lựa chọn.
Những ngày đầu là vô cùng gian khó. FPT đến xứ Phù Tang với thứ vũ khí duy nhất là bài diễn thuyết về “Digital Waterfall” (Thác số – Vượt cầu) của anh Bình. Ở đâu anh Bình cũng say sưa trình diễn. Mặc dù đa phần khách hàng không hiểu gì, nhưng họ cảm nhận được nhiệt huyết trong tim anh.
Trong khi nhiều người còn hoài nghi, anh Bình luôn tin “thế nào cũng có dự án”. Và có thật, với thư đề nghị của NTT-IT: “Chúng mày có muốn lập trình không?”. Vượt qua được thử thách lập trình của NTT-IT, FPT đã tiến thêm được một chân vào Nhật Bản.
“Cơn gió Đông Du” tạo ra những nhịp sóng đầu tiên
Nhưng thách thức lớn nhất của FPT khi tiến vào thị trường hoa anh đào chính là nguồn lực tiếng Nhật hiếm. Giải bài toán này, FPT một mặt tìm những người giỏi ngoại ngữ, mặt khác mở trung tâm đào tạo tiếng Nhật cho lập trình viên, lấy tên là Đông Du, sẵn sàng để “vượt sóng”.
Và “cơn gió Đông Du” tạo ra những nhịp sóng đầu tiên. Tháng 11/2005, FPT thành lập Công ty TNHH FPT Software Nhật Bản, “đóng đô” ở Osaka. Với tiêu chí công ty “toàn cầu” là phải có văn phòng ở toàn cầu, FPT Software phát triển chi nhánh ở đất nước mặt trời mọc nhằm bám chặt vào “đai lưng địch mà đánh”.
Tháng 2/2006, FPT Japan ký hợp đồng đầu tiên với NSSOL và đứng được trên đôi chân của mình.
Từ vài nhân sự ban đầu, hiện quy mô nhân lực của FPT Japan đã đạt 1.500 người. Hơn 10% nhân sự là người Nhật, cùng hơn 8.000 CBNV gián tiếp đang làm việc tại Việt Nam. Công ty hiện có 2.246 chứng chỉ quốc tế ở mọi lĩnh vực, cấp độ.
Doanh thu của FPT Japan tăng gấp 3 lần
Trong giai đoạn 2015 đến nay, doanh thu của FPT Japan tăng gấp 3 lần, tốc độ tăng trưởng doanh số luôn ở mức 30%. Với hơn 600 khách hàng, trong đó có 48 khách hàng thuộc Top 100 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản, dự kiến năm năm 2020, FPT Japan sẽ mang về hơn 240 triệu USD doanh thu.
Với 11 văn phòng/trung tâm phát triển tại Nhật Bản, FPT Japan đóng góp 53% tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT, và là công ty CNTT nước ngoài lớn nhất tại thị trường này xét theo quy mô nhân lực. FPT Japan hiện là đối tác chiến lược triển khai chuyển đổi số, đóng góp vào sự tăng trưởng của các tập đoàn lớn tại Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, ngân hàng, tài chính, nông nghiệp, thương mại.
Về cơ sở vật chất, FPT Japan đang có 15 khu KTX tập trung với 483 phòng, cùng 188 nhà lẻ ở các vùng dành riêng cho CBNV.
Tập thể FPT Japan xứng đáng là những chiến binh quả cảm của FPT trong suốt những năm qua
Ghi nhận những cống hiến này, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa, khen ngợi: “Tập thể FPT Japan xứng đáng là những chiến binh quả cảm của FPT trong suốt những năm qua”.
Đồng quan điểm, CEO nhà Phần mềm Phạm Minh Tuấn cho rằng “FPT Japan luôn là niềm tự hào của người FPT Software, người FPT trên hành trình đưa trí tuệ Việt Nam đến với thế giới”.
Không dừng lại ở những kết quả đó FPT Japan có những mốc chinh phục lớn hơn cho chặng đường tiếp theo. Giám đốc FPT Japan Nguyễn Việt Vương cho biết, mục tiêu sắp tới của đơn vị là đưa FPT Japan lọt vào Top 20 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Nhật Bản vào năm 2025, với doanh số dự kiến 600 triệu USD và 3.000 nhân lực. “Chúng ta sẽ hiện thực mục tiêu ấy bằng chất lượng, sáng tạo và hiệu quả mang lại cho khách hàng, bằng việc giành được những hợp đồng trị giá từ hàng triệu đô la đến chục triệu đô la”, anh đặt quyết tâm.
Chúng ta mong muốn chinh phục và vươn lên đứng đầu
Trong lễ sinh nhật 15 năm, Chủ tịch FPT Japan Trần Đăng Hòa, bày tỏ: “Chặng đường 15 năm tới rất thách thức. Chúng ta mong muốn chinh phục và vươn lên đứng đầu, mong muốn mọi người nói về mình, chứ không phải chúng ta nói về chúng ta”.
“Chúng ta sẽ là số 1-2-3 ở những nước như Nhật, châu Âu đó mới là đỉnh cao của chúng ta”, anh Hòa gửi gắm cho hành trình 15 năm tới của FPT Japan.
Ngư Nhi/chungta.vn