Xét về dân số, Mỹ chỉ bằng một phần năm Trung Quốc, nhưng tại sao họ có nhiều phát minh sáng chế hơn? Bởi vì ở đó, có ba trăm triệu cá nhân được khuyến khích thể hiện không giới hạn “cái tôi” của mình.
Còn ở Trung Quốc thì sao? Có một câu thành ngữ mà người Trung Quốc đại lục không bao giờ dám quên: “Heo sợ mập, người sợ nổi tiếng”.
Nếu ở phương Tây, “chủ nghĩa cá nhân” là những bản anh hùng ca, thì ở phương Đông, đó là cụm từ dùng để phê phán những cá nhân có “cái tôi” nổi trội. Những người hiểu chuyện đều biết cách ẩn “cái tôi” của mình trong đám đông, thường được gọi là “tập thể”. Không hiểu sao, mỗi lần nhắc đến từ này, tôi luôn cảm thấy bất an. Tôi tin rằng, đây là khái niệm bị kẻ xấu lợi dụng nhiều hơn bất cứ khái niệm nào khác, bởi vì tập thể tuy là số đông, nhưng cũng là “không ai cả”.
Tôi không đi sâu vào chủ đề tập thể vì sợ có người hiểu sai. Tôi cũng như mọi người trong thế hệ của mình, được dạy rằng, người có tinh thần tập thể là người tốt; người chỉ quan tâm đến bản thân mình là người xấu.
Nhưng thực tế lại khác.
Mấy năm trước có dịp đi Mỹ, tôi thấy người ta thu tiền mặt trực tiếp của người tham gia giao thông, trong khi ở Việt Nam công việc này chia làm hai khâu: đầu tiên phải mua vé, sau đó kiểm soát vé. Khi tôi hỏi một quan chức giao thông Việt Nam, tại sao phải mua việc như thế, được giải thích “thêm công đoạn bán vé là để chống ăn cắp”. Tại sao người ta không sợ nhân viên ăn cắp, còn mình thì sợ? Vị quan chức không trả lời. Tôi đoán, người Mỹ, vì danh dự của cá nhân, nên không ăn cắp; còn chúng ta, vì danh dự tập thể – tức là danh dự của không ai cả, nên có thể ăn cắp.
Quay lại câu chuyện phát minh sáng chế. Ai là người có khả năng sáng tạo?
Tôi tin, phần tinh túy nhất của hầu hết các sáng tạo là câu chuyện của những “cái tôi” đích thực, chứ không phải của một đám đông. Ngay cả những dự án vĩ đại có nhiều người tham gia, thì vẫn cần có những cá nhân kiệt xuất dẫn dắt.
Sáng tạo cũng chính là nghĩ khác làm khác. Chỉ có cái tôi mạnh mẽ, độc lập mới có thể theo đuổi đến cùng những ý tưởng của mình mà không bị sa vào hoàn cảnh đẽo cày giữa đường.
Nhưng “cái tôi” không được hoan nghênh ở các nước XHCN, nơi mà cá nhân không có quyền đứng cao hơn tập thể. Xa hơn, xã hội cần những tập thể đồng nhất hơn là những “cái tôi” gây rối. Và hệ thống giáo dục của xã hội cũng được thiết kế theo tinh thần đó. Đó là một môi trường giáo dục mà “cái tôi” không thể phát triển.
Hãy quan sát một đứa trẻ của chúng ta được dạy dỗ như thế nào! Khi còn bé, hầu hết những điều trẻ con muốn làm đều bị người lớn ngăn cấm.
Đến tuổi đi học, các bậc phụ huynh luôn bắt con mình phải noi gương bạn này bạn kia, mà không thèm quan tâm đến chuyện, chúng là những đứa bé khác nhau, dù là hoàn cảnh, tài năng, tính cách, cơ địa hay số phận…
Những đứa trẻ lớn lên theo cái cách mà người lớn áp đặt. Dù nó thuận tay trái thì vẫn phải viết bằng tay phải. Những đứa ít nói thì bị gắn cho bệnh tự kỷ và người ta tìm mọi cách cho chúng nói nhiều như bạn bè, kết quả bé có thể sẽ nói nhiều hơn, nhưng cơ bản nó không còn là chính mình, mà là một bé khác…
Khi lớn hơn, chúng được yêu cầu phải học thuộc các bài thơ, các bài văn mẫu giống nhau. Chúng bị nhồi nhét cùng một khối lượng kiến thức quá sức chịu đựng của một đứa bé. Các em hoàn toàn không còn thời gian để trải nghiệm đam mê cá nhân cũng như phát triển năng khiếu riêng biệt. “Cái tôi” của các em không có đất dể phát triển.
Cả gia đình và xã hội đã làm tất cả, để đào tạo con em mình thành một khuôn mẫu chung, nhưng không làm gì để các em được phát triển với tư cách là những cá nhân riêng biệt. Các em không còn là chính mình. “Cái tôi” của các em thật nhạt nhòa, ít khả năng suy nghĩ độc lập, làm gì cũng lo lắng bị người khác chê cười…
Trước đây tôi không hiểu lắm lời khuyên của Đức Phật: “Hãy là chính mình”. Chẳng phải ta đang là chính mình sao? Bây giờ thì tôi hiểu một chút. Lớn lên trong môi trường này, phần lớn chúng ta, thực tế, đang là người khác. Và bạn không thể thực sự hạnh phúc nếu không là chính mình. Tôi biết một bạn trẻ không dám sống với giới tính thật của mình, vì sợ người đời đàm tiếu. Tất nhiên là bạn ấy rất khổ sở. Tôi nói: “Tại sao cháu phải quan tâm đến những lời đàm tiếu, vì những người nói ra điều đó, chỉ quan tâm đến bảo vệ định kiến của mình, chứ họ có quan tâm tới việc cháu hạnh phúc hay đau khổ đâu”.
Và những “cái tôi” nhạt nhòa đó đã không đủ dũng khí đứng độc lập. Nó chọn ẩn náu trong đám đông. Nó không thể sáng tạo. Bởi vì sáng tạo cần tự do và bạn không thể chen chúc trong đám đông mà không bị vướng víu.
Rồi dần dà, nó lấy “tập thể” làm “cái tôi” giả cho mình. Nó bắt đầu lớn tiếng phê phán những cái tôi độc lập, mạnh mẽ hơn nó.
Trước đây, ở cơ quan tôi có một anh rất giỏi. Nhưng việc đề bạt anh ấy thường gặp nhiều cản trở.
Tôi hỏi một “cản trở viên”:
– Vì sao ông không ủng hộ?
– Anh ta bị cả tập thể phê bình là kiêu căng?
– Ông đã bao giờ bị phê bình là kiêu căng chưa? – Tôi hỏi.
– Tất nhiên là chưa? – Anh này tự hào trả lời.
– Ông có biết tại sao không?
– ???
– Bởi vì, muốn để người ta phê bình là kiêu căng thì trước hết ông phải giỏi!
Để tránh bị cô lập, bạn không thể cứ “tôi thế này, tôi thế kia”… Bạn phải học cách sử dụng đại từ nhân xưng “chúng tôi” trong những tình huống quan trọng, để chứng tỏ bạn luôn đặt tập thể cao hơn cá nhân. Nhà thơ Maiakopxki đã châm biếm hiện tượng này bằng câu nói dí dỏm: không lẽ, ta phải tỏ tình với một cô gái là “chúng tôi yêu em”.
Tôi tin, chủ thể của nhân tính, của nhân cách, hay các giá trị nhân văn,… là những cá nhân cụ thể, chứ không phải là tập thể hay tổ chức abc nào đó. Đề cao cá nhân là đề cao nhân loại; phủ nhận cá nhân là phủ nhận nhân loại!
Nếu muốn có những “cái tôi” mạnh mẽ, độc lập… chúng ta cần bắt đầu từ việc đổi mới hệ thống giáo dục.
Sẽ có nhiều việc cần làm, vì sự khác biệt là rất lớn. Ví dụ, ở Việt Nam, học sinh cá biệt chỉ mang lại sự khó chịu cho nhà trường, thì ở Mỹ, chúng mang lại thách thức thú vị cho giáo viên phụ trách…
Tôi mong muốn, nền giáo dục của chúng ta cởi mở hơn và không bị chi phối bởi những khuôn mẫu giáo điều; phải coi cá nhân hóa việc đào tạo là mục tiêu quan trọng nhất. Trường tốt chính là trường cho phép mỗi học sinh được trải nghiệm đam mê cá nhân cũng như cơ hội phát triển năng khiếu riêng của mình, chứ không phải là trường bắt tất cả học sinh cùng học thuộc lòng những bài văn mẫu.
Tôi thích một hệ thống giáo dục, cho phép học sinh ngay từ cấp dưới đã có quyền chọn học môn này, chọn bỏ môn kia; có thể chọn học lịch sử, chọn bỏ địa lý; thích văn thì có thể học văn nhiều giờ hơn; giỏi toán thì đang học lớp 5 vẫn có thể yêu cầu thầy cho làm toán lớp 10…
Môi trường như thế này sẽ giúp cho “cái tôi” của các em được hình thành từ bé và khi lớn lên chúng mới đủ mạnh mẽ để trở thành một “cái tôi” độc lập. Những cái tôi mạnh mẽ mới có thể sáng tạo; những cái tôi độc lập sẽ không làm việc xấu vì danh dự của riêng mình… Và quan trọng hơn, bạn sẽ không thể thực sự hạnh phúc khi không là chính mình.
Thi thoảng, tôi thấy một số phụ huynh giáo huấn con mình: “Người ta làm được thì mình phải làm được”. Tại sao họ lại muốn con mình trở thành người khác nhỉ? Tôi không bao giờ dạy các con mình như thế. Tôi nói với các cháu: “có nhiều cái người ta làm được, mình chưa chắc đã làm được. Nhưng không cần buồn, vì mình không phải là người ta. Nhưng các con có thể làm được những việc mà họ không làm được, bởi vì họ không phải là mình”.
Hôm trước có một bạn trẻ nói với tôi: “Những người như anh là rất hiếm”. Tôi trả lời: “bạn cũng vậy thôi, cũng rất hiếm”. Chỉ cần là chính mình, mỗi chúng ta sẽ là duy nhất.
Hoàng Minh Châu