FPT là thương hiệu công nghệ số 1 được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong Top 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2020. Buổi lễ vừa diễn ra vào chiều ngày 17/12 tại khách sạn InterContinental với sự tham dự của anh Nguyễn Tuấn Hùng – Giám đốc FPT HCM.
Đây là lần thứ 5 Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19. Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu 2020 của Forbes Việt Nam ghi nhận những kỷ lục mới. Tổng giá trị thương hiệu của danh sách 2020 đạt hơn 12,6 tỷ USD, tăng 22% so với danh sách lần thứ tư.
10 thương hiệu dẫn đầu xét về giá trị bao gồm các tên tuổi quen thuộc như Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhomes, MobiFone, Masan Consumer, Vietcombank, FPT và Vincom Retail. Ở mảng Công nghệ, FPT dẫn đầu với giá trị thương hiệu đạt 217,6 triệu USD.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu FPT đạt 21.164 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.170 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 8% về cả doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chính cho FPT vẫn nằm ở khối công nghệ và nhóm thị trường nước ngoài. Cụ thể, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin ở thị trường nước ngoài của FPT trong 9 tháng đạt 8.779 tỷ đồng, mang về khoản lãi trước thuế 1.418 tỷ đồng và tăng trưởng khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số đạt 2.473 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ và chiếm hơn 11% tổng doanh thu tập đoàn. Các thị trường quốc tế có mức tăng tốt tập trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản. Trong 9 tháng, tổng giá trị hợp đồng ký mới của khối công nghệ nước ngoài đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 22%. Trong khi khối trong nước, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của Covid-19, bắt đầu ghi nhận các hợp đồng mới.
Năm 2016, lần đầu tiên Forbes Việt Nam công bố danh sách này với 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2020 được xếp theo từng ngành. Phần lớn có bề dày hoạt động trên 10 năm, thời gian đủ dài để các công ty khẳng định tên tuổi. Xét theo lĩnh vực, hai nhóm ngành có nhiều đại diện nhất gồm nhóm hàng thực phẩm – đồ uống và nhóm dịch vụ tài chính đều có 9 đại diện, chiếm tỷ trọng nhiều nhất xét theo số lượng, tiếp theo là bất động sản, công nghệ, nguyên liệu, bán lẻ.
Đứng đầu danh sách năm nay là Viettel, với giá trị thương hiệu hơn 2,9 tỷ USD, tiếp theo là Vinamilk, với giá trị thương hiệu hơn 2,4 tỷ USD. Đây là hai thương hiệu có giá trị vượt trội so với phần còn lại của danh sách. 10 thương hiệu đứng đầu xét theo giá trị chiếm hơn 60% tổng giá trị của danh sách. Thị trường chứng khoán suy giảm khiến hệ số P/E của một số ngành giảm, kéo theo giá trị thương hiệu giảm theo dù lợi nhuận tăng.
Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes (Mỹ), tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 100 công ty có thương hiệu mạnh, sản phẩm có độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc tính toán dựa trên báo cáo tài chính của các công ty.
Thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành. Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa thị giá và thu nhập trên mỗi cổ phần) trung bình ngành trong khu vực. Với công ty chưa niêm yết, Forbes Việt Nam áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô đã niêm yết để xác định giá trị thương hiệu.
Sơn Thạnh/chungta.vn