Ông Đỗ Cao Bảo – Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của FPT vừa có những chia sẻ khá thú vị về 13 thành viên sáng lập Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này.

Ông Đỗ Cao Bảo sinh ngày 18/06/1957, là cử nhân Toán điều khiển – Học viện kỹ thuật quân sự. Đầu năm 2016, FPT đã bổ nhiệm Chủ tịch FPT IS ở thời điểm đó – tức ông Đỗ Cao Bảo – vào vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh chung của FPT. Ông Cao Bảo phụ trách các khách hàng chiến lược, các dự án, đề án chiến lược, cấp bộ, nhà nước, phụ trách hoạt động đối ngoại chung và công tác truyền thông của tập đoàn FPT. Ông cũng là Uỷ viên HĐQT của tập đoàn.

FPT Telecom International xin trích dẫn lại bài viết ông Đỗ Cao Bảo dưới đây về 13 đồng sáng lập của FPT. Bài viết được chia thành nhiều kỳ.

Ảnh chụp các thành viên sáng lập của Tập đoàn FPT.
Ảnh chụp các thành viên sáng lập của Tập đoàn FPT.

1. TRƯƠNG GIA BÌNH:

Là linh hồn của FPT suốt 30 năm qua cũng như trong nhiều năm tới, nên tôi xin viết cuối cùng.

2. LÊ VŨ KỲ:

Là nhân vật số 2 của FPT những năm đầu thành lập, phó giám đốc, quyền giám đốc FPT 2 năm 1989-90 khi anh Trương Gia Bình đi nghiên cứu ở Đức.

Anh Lê Vũ Kỳ tốt nghiệp đại học tổng hợp Moscow, trước khi gia nhập FPT, anh là giáo viên Vật lý Học viện Kỹ thuật quân sự, cán bộ nghiên cứu Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia.

Năm 1992 anh rời FPT cùng ông Nguyễn Đức Kiên và nhóm ông Trần Mộng Hùng thành lập ngân hàng Á châu ACB.
Năm 1992 anh rời FPT cùng ông Nguyễn Đức Kiên (Kiên bạc – bầu Kiên) và nhóm ông Trần Mộng Hùng thành lập ngân hàng Á châu ACB, là đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB trong nhiều khoá.

3. NGUYỄN TRUNG HÀ:

Là Giám đốc tài chính (CFO), nhân vật số 2 FPT giai đoạn 1993-1994, sau khi anh Lê Vũ Kỳ rời FPT.

Nguyễn Trung Hà từng đoạt giải 3 Huy chương đồng Toán Quốc tế năm 1978, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Moscow, cán bộ nghiên cứu Viện Cơ học. Những năm đầu Trung Hà vừa thuộc trung tâm dịch vụ Tin học ISC vừa là trợ lý giám đốc, tham gia kinh doanh, xin đất xây nhà, xây trụ sở cho FPT.

Ông Nguyễn Trung Hà nổi tiếng khi bỏ ra 32 tỷ đồng để cứu bạn Nguyễn Xuân Sơn, Tổng giám đốc Oceanbank thoát án tử hình.
Theo chủ trương xây dựng mô hình tập đoàn, năm 1993-1995 Trung Hà cùng một số anh em FPT tách ra lập công ty Zodiac. Với triết lý “đàn cá nhỏ” và “dùng trí tuệ, làm ít, không chăm chỉ mà thành công mới là người thực tài”, những năm sau Trung Hà đầu tư vốn, thành lập thêm nhiều công ty nữa. Nghe đâu Trung Hà làm Chủ tịch HĐQT, Uỷ viên HĐQT của 27 công ty, trong đó có Công ty Chứng khoán Thiên Việt và Galaxy. Có lần Trung Hà than thở với tôi về chính sách khống chế một người không được giữ vị trí HĐQT quá 27 công ty.

Là nhà đầu tư chuyên nghiệp, không điều hành doanh nghiệp nên thời gian rảnh Trung Hà dành hết cho thú vui chơi bài. Trung Hà mê chơi bài đến mức khi xây nhà, thiết kế riêng 1 phòng chơi bài, thiết kế bàn chơi bài chuyên nghiệp có ngăn kéo để gạt tàn thuốc, ngăn kéo để bài riêng cho từng người chơi. Khánh thành nhà thì phòng khách trống trơn, phòng ăn, phòng ngủ đều thiếu đồ, chỉ riêng phòng chơi bài là đầy đủ.

Là người kín tiếng, không thích xuất hiện trên truyền thông, thế nhưng vừa rồi Trung Hà bất đắc dĩ nổi tiếng khi bỏ ra 32 tỷ đồng để mong cứu bạn Nguyễn Xuân Sơn, Tổng giám đốc Oceanbank thoát án tử hình.

4. LÊ QUANG TIẾN:

Là Phó tổng giám đốc, Giám đốc tài chính CFO, Phó chủ tịch HĐQT, nhân vật số 2 FPT giai đoạn 1995-2008, sau khi Trung Hà rời FPT.

Lê Quang Tiến là thành viên đội tuyển thi Toán quốc tế năm 1975, tốt nghiệp đại học Tổng hợp Kishinop, giáo viên Vật lý Học viện Kỹ thuật quân sự, cán bộ nghiên cứu Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia.

Lê Quang Tiến là người có tài kinh doanh nhất FPT thời ấy. Anh là người duy nhất trong FPT có xe máy bằng chính tiền buôn bán trong nước, không phải từ tiền đi nước ngoài mang về.

Hiện ông Lê Quang Tiến là Phó chủ tịch Ngân hàng TPBank.

Theo chủ trương xây dựng mô hình tập đoàn, năm 2008, Lê Quang Tiến chuyển sang làm chủ tịch HĐQT ngân hàng Tiên Phong Bank (TPBank), FPT và Lê Quang Tiến là cổ đông lớn. Hiện tại Lê Quang Tiến là Phó chủ tịch Ngân hàng TPBank.

Lê Quang Tiến có khiếu hài hước, có tài kể chuyện tiếu lâm, anh bịa chuyện nhưng mặt lạnh tanh nhìn thật hơn cả người nói thật, người mới nghe lần đầu nhìn mặt anh tin sái cổ, đến vợ anh sống với anh mấy chục năm, con lớn đã tốt nghiệp đại học thế mà nhiều lần nghe anh kể chuyện vẫn ngơ ngác hỏi “Thật à anh?”. Facebook của anh thu hút dăm chục nghìn fans, hàng ngày hóng hớt chờ đọc status mới của anh. Người không biết anh bịa chuyện hóng chờ đã đành, người biết anh bịa đến 99% câu chuyện vẫn hóng hớt, thế mới tài.

5. NGUYỄN CHÍ CÔNG:

Là Giám đốc trung tâm dịch vụ Tin học ISC (cùng với xí nghiệp Cơ Điện Lạnh, trung tâm trao đổi nhiệt chất, ISC là một trong 3 đơn vị thành viên của FPT khi thành lập).

Trước khi gia nhập FPT, anh Nguyễn Chí Công là cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, là thành viên chủ chốt nhóm thiết kế và chế tạo máy vi tính PC đầu tiên của Việt Nam.

ÔTrước khi gia nhập FPT, ông Nguyễn Chí Công là thành viên chủ chốt nhóm thiết kế và chế tạo máy vi tính PC đầu tiên của Việt Nam.
Vốn người gốc làng Kim Liên, anh Công có tính cách của người Tràng An. Thời 1988-89 anh bắt chúng tôi phải mặc áo Blue trắng khi làm việc với máy tính (mãi gần 20 năm sau trong TP.HCM mới có mô hình kinh doanh bác sĩ máy tính nhân viên mặc áo blue trắng). Nguyễn Thành Nam là tiến sĩ Toán Đại học Tổng hợp Moscow, thế mà những ngày đầu anh Công toàn bắt đun nước, pha trà vì lý do không biết ngôn ngữ lập trình nào.

Năm 1993, GS-TS Vũ Đình Cự rút anh Nguyễn Chí Công lên Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia làm Giám đốc trung tâm trực thuộc Viện với tên gọi vẫn là ISC.

Là người nhiều tuổi hơn chúng tôi một thập niên nên hiện tại, anh Nguyễn Chí Công đang dành thời gian để nghỉ ngơi với thú vui chụp ảnh nghệ thuật và viết lách.

6. TRẦN ĐỨC NHUẬN:

Là giám đốc xí nghiệp Cơ Điện Lạnh CDL trực thuộc FPT, chúng tôi thường gọi đùa là xí nghiệp “Chó Dê Lợn” (ISC và CDL được thành lập cùng ngày 13/09/1988 với FPT).

Anh Trần Đức Nhuận đã từng tham gia xây dựng, lắp đặt những nhà máy, công trình lớn nhất Việt Nam thời làm ở LILAMA nên anh tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi những giảng viên đại học, cán bộ nghiên cứu khoa học, dân lý thuyết, còn anh dân công trường ăn to nói lớn, đi xe phân khối lớn lao như một mũi tên từ công trường về công ty, từ công ty ra công trường.

Anh Trần Đức Nhuận có câu nói mà tôi nhớ mãi khi anh trình bầy trước hội đồng thầu của đài truyền hình Việt Nam VTV: “Chúng tôi dùng máy tính để thiết kế và làm dự toán hệ thống điều hoà cho trường quay của VTV. Máy tính hay lắm, chỉ ấn một nút là nó in ra hết”. Đây chính là thương vụ đầu tiên tôi tham dự thầu và cũng là vụ đấu thầu, thắng thầu lớn đầu tiên của FPT (400.000 USD năm 1989), tôi đã học và tích lũy được nhiều bài học quí báu từ anh Nhuận trong thầu này.

Chương trình tính dự toán hệ thống điều hoà không khí trường quay VTV, tôi và Nguyễn Thành Nam lập trình với thời gian kỷ lục 1 ngày theo mô tả nghiệp vụ của Lê Thế Hùng (Hùng Râu), in ra hàng trăm trang giấy A3 dự toán cùng với hệ thống trình diễn VnStoryboad (do tôi tự phát triển giống PowerPoint ngày nay) kết hợp với tính thực tiễn của anh Nhuận đã tạo ra sự khác biệt với các đối thủ khác, góp phần vào việc FPT thắng đơn thầu lớn này.

Năm 1992, CDL chuyển lên trực thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, với tên gọi mới là công ty Cơ Điện Lạnh EMECO. EMECO cùng với REE của chị Mai Thanh ở TP HCM trở thành 2 công ty Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực Cơ Điện Lạnh (bây giờ gọi là M & E), anh Trần Đức Nhuận làm Tổng giám đốc, Chủ tịch EMECO cho đến ngày về hưu…

(Còn tiếp)